Dụ ngôn cỏ lùng và sự phán xét của Thiên Chúa

dụ ngôn cỏ lùng

Dụ ngôn cỏ lùng là dụ ngôn mà chúa Giê su giảng dạy về sự phán xét vào ngày tận thế. Mà ở đó công bằng được thực thi, công minh được sáng tỏ. Tuy nhiên, cách hiểu phổ thông với dụ ngôn này còn quá cứng nhắc, và gây ra nhiều nỗi sợ hãi. Tạo nên hình dung về một Thiên Chúa rất giới hạn.

Những lí giải dưới đây sẽ là một diễn giải khác với quan điểm thông thường. Mang tính rộng mở và tích cực hơn. Từ đó, giúp bạn có một đức tin vào Thiên Chúa từ bi, trí tuệ, công minh và yêu thương vô điều kiện.

Nội dung chính

Lời Chúa: Mt 13, 24-43 – Dụ ngôn cỏ lùng

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: “Nước trời giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Trong lúc mọi người ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất.” 

Khi lúa lớn lên và trổ bông thì cỏ lùng cũng lộ ra. Đầy tớ chủ nhà đến nói với ông rằng: “Thưa ông, thế ông đã không gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng từ đâu mà có?” 

Ông đáp: “Người thù của ta đã làm như thế”. 

Đầy tớ nói với chủ: “Nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ”. 

Chủ nhà đáp: “Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng. Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: “Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta”.

Sau khi giải tán dân chúng, Người trở về nhà. Các môn đệ đến gặp Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe”.

Người đáp rằng: “Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước trời. Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào. Thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa. Rồi ném tất cả chúng vào lửa. Ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong Nước của Cha mình. Ai có tai để nghe thì hãy nghe”.

ý nghĩa dụ ngôn cỏ lùng

Dưới cái hiểu thông thường từ dụ ngôn cỏ lùng, mà người ta lan truyền có một sự phán xét sau cái chết. Rằng sau khi chết Thiên Chúa sẽ đem con người ra xét xử. Đến lúc đó công lý mới được thực thi, thiện ác mới được phân minh. Dựa trên phẩm chất của một người, Thiên Chúa sẽ phân chia người đó vào địa ngục hay thiên đàng. Hoặc thanh tẩy ở luyện ngục đến khi đủ bù đắp với những tội lỗi gây ra mà được trở về nước Chúa.

Niềm tin và cách hiểu của người đạo Thiên Chúa dường như tạo nên một hình dung về Thiên Chúa giận dữ và trừng phạt. Giống với cách cai trị mà hầu hết những ông vua ở thời cổ xưa thường làm để tạo ra công bằng cho dân chúng. Đây là một niềm tin có gì đó rất giới hạn của chúng ta. Rất khác với một Thiên Chúa quyền năng, với trí tuệ cao cấp, sự yêu thương vô điều kiện và sự từ bi vô lượng.

Vì có thể các tài liệu về dụ ngôn này khi được truyền lại đã bị mất đi nội dung nguyên thủy do con người, thời gian hay khác biệt ngôn ngữ. Nên dựa vào nội dung sơ bộ, chúng ta có một hướng lý giải khác về dụ ngôn cỏ lùng. Sẽ giúp bạn có được niềm tin tích cực hơn. Tốt đẹp hơn về đạo, về chúa Giê su và Thiên Chúa quyền năng như sau:

Ý nghĩa của cỏ lùng trong dụ ngôn cỏ lùng

Chúa Giê su lý giảng hạt giống tốt là con cái nước trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Tuy nhiên, tất cả con người được sinh ra trên thế gian này dù là người tốt hay người xấu thì đều là con cái của Thiên Chúa. Và việc một người con của Chúa, khi phạm phải tội lỗi mà lại trở thành con cái của ma quỷ là một điều hết sức vô lý. 

Cỏ lùng và lúa mì thật ra không phải là sự phân biệt giữa người này với người kia. Mà đang nói đến 2 bản tính cùng tồn tại trong con người.

Bên trong mỗi người luôn tồn tại song song cả tính thiện lẫn tính ác. Chúng ta đều có lúc xấu tính, tiêu cực và cũng có những lúc thiện lành, tử tế. 

Tất cả những đứa trẻ sinh ra đều có bản tính thiện lành, tốt đẹp như một thiên thần. Chúng chỉ trở nên hư đốn hay có những tính xấu là do ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh. Học theo, bắt chước những người xung quanh. Hay được giáo dục mà phát sinh những tính cách tiêu cực.

giải thích dụ ngôn cỏ lùng
Những đứa trẻ đều mang bản chất tốt đẹp như những thiên thần

Mà môi trường của con người ngày nay có vẻ như ngày càng trở nên không mấy tốt đẹp. Với những người đi trước được định hướng đầy bản ngã, đầy tính xấu, chưa có sự chuyển hóa về nhận thức, đạo đức. Lại là những tấm gương để con trẻ học theo. Và nối tiếp các tính xấu ấy qua nhiều thế hệ.

Đó là chính mầm mống xấu xí (của ác quỷ) âm thầm gieo vào chúng ta trong quá trình lớn lên. Chúng ta tiếp nhận tính xấu một cách thụ động, thiếu ý thức do nhận thức non kém, và tuổi đời nhỏ bé của mình.

Những tính xấu từ những người xung quanh được con trẻ bắt chước như tư tưởng, lời nói, hành vi. Chúng lặp lại những hành vi đó và tạo thành thói quen. Và thói quen qua thời gian hình thành nên tính cách của người đó.

Người ta quen với việc làm mọi thứ giống với người khác và giống với những thói quen quá khứ của mình đến mức. Đa số con người không nhận thức được việc phải trở về để tư duy và phản ứng khác đi, theo cách của chính mình.

Cỏ lùng là những cái tâm tính được con người bắt chước và lặp lại trong suốt quá trình lớn lên, học tập và trải nghiệm trong đời sống này. Có thể nói, con người chúng ta của hiện tại đã và đang được tạo thành bởi người khác. Là những tạo vật của thói quen. Tạo vật do người khác tạo nên. 

Để biết một người có tính cách như thế nào, chỉ cần biết những việc họ đã trải qua, những môi trường họ đã từng sống.

Môi trường giáo dục ngày nay – là môi trường dạy dỗ những đứa trẻ ngay khi còn nhỏ. Lại là mầm mống hun đúc cho những đứa trẻ cái tính hơn thua nhau, tranh chấp nhau. Trong nền giáo dục thì thi đua là điều được cổ vũ. Thành tích và điểm số là thứ quan trọng bậc nhất. 

Giáo dục chẳng còn chú trọng để rèn luyện ra những con người đạo đức mà chỉ cố gắng tạo ra những con người có thành tích cao. Tạo ra thế hệ con người ngày càng tôn sùng danh vọng, những thứ phù phiếm bên ngoài.

Giá trị con người ngày nay được đo bởi số tài sản mà người đó sở hữu. Nền văn minh của chúng ta vì thế ngày càng tạo ra con người với tâm trí đầy ham muốn, tham lam, ưa thích chiếm đoạt và tích lũy. Cổ vũ sự tranh đua, tôn sùng sự thành công, hào nhoáng và của cải. 

Chính cái sự tham lam vô độ, dục vọng không có điểm dừng là nguyên nhân sinh ra sự ích kỉ, nhỏ nhen, tranh chấp, mưu mô, ghen tức, tàn nhẫn, dối trá, ranh mãnh, hãm hại nhau, tự vệ cao độ, oán trách, đổ lỗi, tự dằn vặt chính mình….

Càng lớn lên và thêm tuổi, hầu hết chúng ta đều đánh mất khả năng kiểm soát bản thân. Chúng ta dần đồng hóa mình với những thứ mình bị ảnh hưởng từ bên ngoài. Luôn cho rằng đó chính là bản chất của chính mình. Và không ý thức để thay đổi nó. Lấy lại quyền kiểm soát chính mình.

Nhưng tất cả những đức tính bao phủ bạn hiện tại do ảnh hưởng bởi bên ngoài chỉ là tạm thời. Bạn hoàn toàn có thể thoát khỏi cái tâm lí cũ, cái thói quen cũ nếu nhận ra được sự thật này.

Chúa Giê su gọi đó là sự tỉnh thức. Sự đánh thức của bản thân trước lầm tưởng đó. Là sự tự ý thức để kiểm soát bản thân trước những tác động từ bên ngoài. Để không tiếp tục bị kéo vào sự mê muội, đồng hóa mình với những thứ tiêu cực. Chạy theo những ảo tưởng về danh vọng, của cải, lợi lạc, tình ái mà khiến bản thân trở nên xấu tính, tiêu cực hơn.

via GIPHY

 Ý nghĩa của lúa mì trong dụ ngôn cỏ lùng

Chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa. Là tình yêu và ánh sáng. Được tạo ra theo hình ảnh của ngài. Chúng ta chính là đền thờ của Chúa.

Chính vì vậy, dù chúng ta đang có tính cách xấu xí như thế nào. Thì bản chất bên trong của chúng ta vẫn là sự yêu thương, tử tế và thiện lành.

Sâu bên trong mỗi người đều có khao khát có được sự bình yên, ân cần, hòa nhã, tử tế và thương yêu.

Dù là những người xấu xa nhất, người ta vẫn luôn có sự tử tế, hòa nhã trong một số tình cảnh. Hay với những người đặc biệt. Họ vẫn có rung cảm với những số phận con người nào đó. Họ vẫn có sự mơ mộng nhất định trong mình. Như có tình yêu với  âm nhạc, nhảy múa hay thơ ca, nghệ thuật,…

Bên trong mỗi chúng ta đều chứa mầm mống của sự tốt đẹp, của tình yêu thương. Chỉ là chúng bị che lấp đi bởi cái thói quen, tính xấu bên ngoài. Hình thành do môi trường. Cái tốt đẹp vẫn còn nguyên đó, và vẫn chờ bạn đưa chúng ra bên ngoài.

Minh chứng rõ ràng của điều này là việc chúng ta có thể thay đổi bản tính của mình. 

Khi thói quen thay đổi thì tính cách sẽ thay đổi. Thế nên, dù một người có tính cách tiêu cực như thế nào. Nếu sống đủ lâu trong một môi trường mà con người thiện lành lấn át. Người này có thể thay đổi hoàn toàn tính cách của mình trở nên tốt đẹp hơn.

Vậy nên, cái tính cách xấu xí của một người chỉ là đặc điểm nhất thời mà thôi.

Cái bản chất tốt đẹp ngay từ lúc sinh ra chính là lúa mì được Thiên Chúa gieo xuống trần gian này. 

Và môi trường sống đã vô tình gieo vào con người những hạt giống của cỏ lùng như trong dụ ngôn cỏ lùng. Ngày nay nó phát triển mạnh mẽ đến mức lấn át lúa mì. Thửa ruộng thế gian dường như bị cỏ lùng bao phủ.

Và vào ngày sau rốt những cái tâm tính xấu xa bên ngoài sẽ được phán xét và bị thiêu đốt đi. 

Sự phán xét lúc đó không phải là việc Thiên Chúa phán xét những người với nhau. Nhưng chúng ta sẽ tự phán xét 2 mặt bên trong chính mình. Nhận thức của chúng ta sẽ trở nên tỏ tường hơn, thấy được chính những cái xấu xa mà bản thân đã làm ra. Thấy được cái chưa tốt mà rút ra được bài học, mà sám hối và thay đổi. 

Để hiển lộ ra cái bản chất yêu thương, thiện lành đã bị lấp đi bấy lâu. Chính là tính Chúa bên trong mỗi người.

Cái bản tính chưa tốt được lọc ra không phải để làm chứng cứ đày chúng ta xuống địa ngục. Nhưng là để ta nhận biết được chính những đức tính ấy là nguồn gốc của những sự đau khổ ở kiếp sống trần gian. Chính những hành vi tiêu cực là nguyên nhân khiến tâm trí bạn trở nên thống khổ, dằn vặt, đau đớn,…

Sự thấu suốt giúp ta thoát khỏi nó, “đốt” nó đi, từ đó linh hồn ta được khôn ngoan hơn, được trưởng thành hơn và trân trọng hơn những điều tốt đẹp mình được Thiên Chúa ban sẵn cho sự sống.

sự trừng phạt trong ngụ ngôn cỏ lùng và lúa

Sự trừng phạt ở địa ngục có thật không?

Thiên Chúa là cha của con người. Ngài là đấng yêu thương vô điều kiện, từ bi và sáng suốt.

Tạo ra sự công minh cho đời sống bằng cách trừng phạt con người dưới địa ngục đầy ghê rợn, không phải là cách duy nhất mà Thiên Chúa khôn ngoan, nhân từ với trí tuệ cao cấp có thể sáng tạo ra. Đó là một hình dung, một lầm tưởng về Thiên Chúa hết sức giới hạn. Do bởi nhận thức cứng nhắc và hạn hẹp của con người khi hiểu về dụ ngôn cỏ lùng.

Không có người cha nào tạo ra một nơi đầy đáng sợ với các cách thức hành hình để trừng phạt đứa con mình yêu dấu. Huống hồ là một Thiên Chúa đầy từ bi và tha thứ. Sẵn sàng chào đón đứa con trở về từ tội lỗi.

Ngài đã đặt vào sự sống những quy luật để tự nó vận hành một cách công bằng. Tạo nên sự công minh cho cuộc sống (Đọc thêm về luật sáng tạo – tự do ý chí). Để qua cuộc sống, con người thực sự tiến hóa về tâm thức. Trưởng thành trong linh hồn cách đích thực chứ không phải thông qua trừng phạt.

Cố gắng thay đổi một con người bằng bạo lực chưa bao giờ là một giải pháp khôn ngoan cả.

Dùng roi vọt, bạo lực, trừng phạt để dạy dỗ những đứa trẻ chỉ có thể tạo nên những đứa trẻ vâng lời và hiểu chuyện trong sự sợ hãi.

(Với trí tuệ rộng mở của đấng quyền năng. Nhận thức của con người chỉ như những đứa trẻ chưa có nhiều hiểu biết. Dễ bị dụ dỗ và ảnh hưởng bởi những điều tiêu cực mà làm ra những sự sai quấy.)

Niềm tin của chúng ta về sự trừng phạt dưới chốn địa ngục vì thế là một đức tin hết sức hạn hẹp. Tạo ra những thế hệ người tin đạo dựa trên nỗi sợ hãi về địa ngục sau cái chết. Mà niềm tin từ sự sợ hãi không thể là một niềm tin chân thành, đó chỉ là sự mê muội.

Định nghĩa về thiên đàng, địa ngục chưa từng được nói rõ trong Kinh thánh hay trong dụ ngôn cỏ lùng này. Đó chỉ là những khái niệm do con người tự hình dung ra.

Đời sống trần gian này, hẳn ai cũng từng nếm qua rất nhiều trải nghiệm: vui buồn, khổ cực, hạnh phúc,… Sống với tâm an nhiên, tự do thì cuộc sống đã là thiên đàng. Sống với tâm bất chính, mưu mô, tự đọa đày mình trong dày vò, than trách, hoán hờn, thù hận. Thì cuộc đời này chẳng khác gì địa ngục.

Đọc thêm Sự thật về thiên đàng, địa ngục tại đây.

Con người làm ra việc tốt hay xấu sẽ có xu hướng được trải nghiệm tình cảnh tương ứng với những gì mình đã tạo ra. Một người làm những điều xấu, nói những lời không hay, nghĩ những việc không mấy tốt đẹp. Thường sẽ phải trải qua những tình cảnh tạo cho họ trải nghiệm tiêu cực.

Ngược lại, những người làm việc tốt, nói lời tích cực, suy nghĩ lạc quan. Thì sớm muộn họ cũng sẽ có những phần thưởng tốt đẹp ngay trong đời sống dù bằng cách này hay cách khác.

Vậy thì sự công minh là điều Thiên Chúa đã đặt sẵn trong sự sống này. Và nó vẫn luôn vận hành theo quy luật ấy.

Địa ngục hay thiên đàng không phải là nơi ta chỉ có thể đến sau cái chết. Đó là những nơi hoàn toàn có thể xuất hiện ngay cuộc sống trần thế này. Và được tạo ra bởi chính chúng ta. 

Thông qua vô vàn những trải nghiệm của đời sống, trải qua đủ những đắng cay mặn ngọt. Con người liên tục tạo ra điều tốt, điều xấu. Rồi sau thời gian, sẽ trải nghiệm tiếp tình cảnh biểu hiện cho kết quả của những việc mình làm trước đó. (Tương ứng với luật nhân quả) Xuất hiện 2 kiểu người:

  • Những con người có sự phát triển tâm thức, sẽ tự thấy được những bài học đó của cuộc sống. Nhận ra giá trị của sự tử tế, thiện lành. Từ đó trưởng thành, biết chọn cho mình sự tử tế, yêu thương, bao dung mà tiếp tục cuộc sống. Từ đó, tự tạo cho mình cuộc sống tốt đẹp, lạc quan hơn. Đó là sự thức tỉnh.
  • Cũng có người trải qua cả cuộc đời mà chưa đủ sâu sắc, trí tuệ để thấy được ý nghĩa những việc làm của mình. Họ liên tục trải nghiệm một cách thụ động. Cho đến khi chết đi, chỉ còn lại linh hồn. Họ mới có thể thấu suốt mà thấy được ý nghĩa những điều mình đã làm ở kiếp đó. Tự phán xét chính mình. Mà rút ra cho bản thân kinh nghiệm, sự sám hối và đổi thay. Không phải lúc đó họ mới phải trả giá. Nhưng chính những khổ sở, tâm lí dằn vặt họ phải chịu đựng ở trần thế đã là sự trừng phạt mà họ phải trải qua rồi. 

Để rồi, ta xứng đáng với hồng ân Thiên Chúa và hiệp thông với Chúa trên nước trời. Vì tất cả chúng ta đều xuất phát từ nơi đó. “Lạy cha, chúng con ở trên trời”.

Nước trời cũng giống như một tổ ấm. Dù cho những đứa trẻ lao mình ra ngoài làm những việc tốt. Hay thậm chí làm những việc xấu xa. Dù cho đứa con của mình có nghèo khổ hay giàu có. Khi trở về nơi sinh ra, thì đấng sinh thành cũng giang tay mà che chở, đón nhận. Huống hồ là người cha sáng tạo đầy yêu thương và nhân từ là Thiên Chúa.

ý nghĩa của dụ ngôn cỏ lùng

Thông điệp đến bạn

Hãy tự hỏi bản thân, bạn đang có niềm tin vào một Thiên Chúa đầy giận dữ và trừng phạt? Hay một Thiên Chúa yêu thương và từ bi? 

Từ đó bạn có quyền được hiểu dụ ngôn cỏ lùng theo chính kiến của riêng bạn. Hãy dùng chính trí tuệ của bản thân để tạo nên một niềm tin chân thành với Thiên Chúa.

Đức tin vào Thiên Chúa dựa trên niềm tin và sự áp đặt của người khác chưa bao giờ có thể tạo nên được tình yêu thực sự với Thiên Chúa cả.

Vậy nên, hãy trở về với chính mình. Đừng đồng hóa mình với lớp vỏ bao phủ bản thân bạn bấy lâu nay. Đừng thụ động và tin tưởng tất cả những gì người khác áp đặt lên bạn. Bạn hoàn toàn có thể thay đổi và làm cho con người tốt đẹp bên trong được tỏ bày ngay tại đời sống này. 

Đừng đợi đến sau khi rời bỏ trần thế mới biết nhìn lại và phán xét chính bản thân mình. Hãy biết nắm lấy chính cuộc sống được Thiên Chúa ban cho. Nắm lấy quyền năng sáng tạo mà ngài trao cho bạn. Hãy biết ý thức và nhận ra kinh nghiệm từ chính những việc mình đã làm. Rồi biết tự chủ làm những điều tốt đẹp, có thái độ lạc quan, tích  cực. Để chính bản thân bạn nhận được những món quà tốt đẹp ngay tại đời sống này. Và có một đức tin chân thành với Thiên Chúa.

Vạn sự tại tâm. Chúc bạn sáng suốt!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *