Kêu tên đức chúa trời vô cớ không như ý nghĩa ta vẫn hiểu?

kêu tên đức chúa trời vô cớ

Điều răn thứ hai trong mười điều răn của đạo Thiên Chúa nêu ra rằng: “Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ”. Được cho là chính Đức Chúa Trời truyền lại cho ông Moses trên núi Sinai.

Rất nhiều người hiểu ý nghĩa của điều răn này đơn thuần là dùng danh nghĩa của Chúa mà thề thốt điều gian dối hay nói những điều thiếu chuẩn mực. Tuy nhiên, không đơn thuần với ý nghĩa ấy mà Thiên Chúa cần đề cập việc này thành một điều răn lớn cho vô vàn vấn đề của đời sống.

Như ý nghĩa ẩn khuất trong những dụ ngôn của chúa Giê-su. Điều răn này cũng ẩn chứa trong đó những ý nghĩa rộng lớn. Phù hợp với tình cảnh đang diễn ra trên thế giới ngay trong năm 2023 này.

Nội dung chính

Đức Chúa Trời là gì? Ngài có thật không?

Đức Chúa Trời chỉ được nhắc đến trong kinh thánh là Thiên Chúa, Thượng đế, Chúa Cha. Không có một cái tên cụ thể. Cũng không được miêu tả hình tướng, giới tính, độ tuổi.

Ngài thường được con người hình dung đang ở trên nước trời xa xôi. Nơi thiên đàng lộng lẫy, xa hoa. Ta chỉ có thể đến được với Chúa vào ngày sau rốt. Khi ta xứng đáng được lên Thiên Đàng.

Vì chúng ta ngầm nghĩ rằng, Thiên Chúa giống như 1 vị vua chúa thời phong kiến. Với đầy bất an, độc tài. Nên ta cũng chỉ có thể hiểu rằng “Chớ kêu tên đức chúa trời vô cớ” đơn thuần như 1 điều luật thường có của những vị vua ấy.

Bất kể sự phạm thượng nào xâm phạm đến danh dự và sự nghiêm minh của nhà vua sẽ bị xử phạt thích đáng.
Nhưng đó chỉ là sự tưởng tượng và suy diễn không có nhiều căn cứ của ta. Có thể nói, những hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa là vô cùng mơ hồ.

Chúng ta cho rằng, chính Chúa Giê-su là hiện thân của Thiên Chúa trong hình dáng thân xác. Thế nên, khi nói về Thiên Chúa, chúng ta thường liên tưởng ngay đến hình ảnh chúa Giê-su giống những bức ảnh hay bức tượng thường được khắc họa.
Tuy nhiên, Chúa Giê-su lại luôn khẳng định rằng, Thiên Chúa nằm trong chính mỗi con người. Thân xác bất kỳ ai cũng đều là đền thờ của Chúa.
Hơn thế, Thiên Chúa còn là tất cả mọi sự. Là alpha và omega. Tất cả những điều trên, khiến hầu hết con người không thể hình dung và hiểu rõ được Thiên Chúa là như thế nào??

chớ kêu tên đức chúa trời vô cớ
Hình dung Thượng đế là đấng có giới tính, hình tướng cụ thể là đang giới hạn các ngài.
Nhưng có một điều chúng ta chắc chắn rằng. Thiên Chúa chính là đấng sáng tạo. Là khởi nguồn tạo ra mọi sự trong vũ trụ và nơi trần thế này. Tất cả những quy luật vận hành của thế giới, các định luật vật lý tinh vi từ vi mô đến vĩ mô. Cũng chính là phát minh của đấng sáng tạo.
Tất cả những thứ hiện hữu nơi vũ trụ này vì thế đều là hiện thân từ Chúa.
Và bạn thân mến, có một điều mà rất nhiều người đã không để ý.
Rằng trên thế giới này có vô vàn những tôn giáo khác nhau. Có thể mỗi tôn giáo được dẫn lối bởi những vị thầy khác nhau. Sinh ra ở nền văn hóa với ngôn ngữ và tập quán khác nhau. Các lý giải về nguồn gốc sự sống, quy luật cuộc đời và thế giới tâm linh sau cái chết có nhiều điều khác biệt,…
Những mâu thuẫn về những khác biệt nhỏ bé ấy sinh ra bởi cái tôi hơn thua. Khiến người ta không thể thấy được cái bao quát to lớn mà vô cùng quan trọng là.
Tất cả chúng ta đều đang hướng đến để tôn thờ một điều duy nhất. Đó chính là đấng đã tạo ra mọi sự của vũ trụ này.
Ngay cả các tôn giáo vô thần, thì triết lý sống của họ cũng là dựa trên sự quan sát với quy luật sẵn có của thế giới xung quanh. Họ dù không tôn thờ thần linh cụ thể nào, nhưng cũng là đang kêu gọi nhau sống một cách trân trọng với chính quy luật của tạo hóa. Đang tôn thờ chính sự vận hành trong sáng tạo sẵn có của vũ trụ này.

Niềm tin của đạo phật cho rằng, con người tiềm ẩn phật tính bên trong. Cũng chỉ là cách nói khác của việc Thiên Chúa tồn tại bên trong mỗi chúng sinh nhỏ bé nhất mà thôi. Việc tu tập trở thành Phật cũng cùng ý nghĩa với việc khơi dậy bản chất yêu thương bên trong để xứng đáng được ngự bên Chúa. Thiên Chúa thậm chí tồn tại trong đức Phật hay bất kể ai thuộc tôn giáo khác. Vì mọi chúng sinh đều là con của Chúa. Được Chúa tạo ra.

Có thể mỗi tôn giáo gọi đấng sáng tạo bởi cái tên khác nhau. Như Thiên Chúa, là Allah, Là Trời, là đạo, hay là hư không,… và gán ghép cho thần linh của mình những đặc điểm khác biệt. Khiến thế giới tưởng chừng như được phân chia và tạo ra riêng biệt bởi những thế lực khác nhau.
Nhưng sự thật là, tất cả chúng ta đều đang hướng đến tôn thờ một mục đích duy nhất, chính là điều màu nhiệm đã tạo ra sự sống này. Tất cả những con đường có vẻ khác biệt vì thế đều dẫn tới một kết quả mà thôi.

Không phải chỉ có đạo Thiên Chúa mới là con đường thoát khổ. Con đường được cứu rỗi duy nhất. Bất cứ tôn giáo nào giúp con người được chuyển hóa tâm thức. Có được trí tuệ, đạo đức, yêu thương cũng đều là con đường dẫn tới được đấng tạo hóa hay Thiên Chúa rồi. Vì ngài chẳng phải là ánh sáng và tình yêu sao?

via GIPHY

Tất cả những vị thầy dẫn dắt dù là chúa Giê-su, đức Phật, Mohamed, Mô-sê,vv,… khai sinh những cách thức tôn thờ, với những bài giảng nghe qua có vẻ khác biệt. Nhưng mục đích cuối cùng của các ngài đều là để hướng con người đền chỗ đạt được trí tuệ, hiểu biết tạo hóa mà biết sống thuận với các quy luật. Biết được sẻ chia và yêu thương nhau. Mà có cuộc sống thuận lợi.
Chẳng vị thầy nhân từ, yêu thương vô điều kiện, khiêm nhường nào đến với thế giới này với khát vọng đơn thuần chỉ để được con người quy phục hay sùng bái các ngài. Hay cần có được sự tôn kính, tin tưởng nhiều nhất của dân chúng.

Nhất quyết phải dẫn chúng sinh theo đạo này hay đạo kia. Chứng minh quan điểm về thế giới tâm linh và đấng tạo hóa của mình là đúng nhất. Con đường của mình là điều bắt buộc để đạt đến sự hiểu biết với sự sống. Hay cách duy nhất để có được sự tha thứ của đấng tạo hóa đang giận dữ. Trong khi chúng ta vốn tôn thờ ngài là cao cả, yêu thương và tha thứ vô điều kiện.
Đó chỉ là sự suy diễn của ta bởi cái hiểu cố chấp, giới hạn, đi theo đám đông và thiếu sự tìm tòi, mở rộng hiểu biết.

Các ngài đa phần đều không có ý gầy dựng ra tổ chức tôn giáo nào. Hệ thống tôn giáo với những luật lệ đều do con người về sau tự thu thập và phát triển mà thôi.

Vậy kêu tên đức Chúa trời vô cớ cụ thể là như thế nào?

tên đức chúa trời

Kêu tên đức chúa trời vô cớ là gì?

Vì Thiên Chúa chính là trí tuệ, yêu thương, bao dung. Nên thứ mà tôn giáo cần hướng con người đến nhất. Là sự rèn dũa tâm trí. Ngày càng trở nên đạo đức, tử tế, sẻ chia, yêu thương nhau. Có được trí tuệ, thấu suốt trật tự vận hành của sự sống mà biết sống một cuộc đời khôn ngoan, ý nghĩa và trọn vẹn.

Đáng tiếc, là hiện nay hầu hết người sùng đạo đều chỉ tập trung vào những lễ nghi, hình thức. Và không chú trọng sự chuyển hóa bên trong cho chính mình.

Ta thực hiện các nghi lễ trong tôn giáo khởi đầu là để thể hiện sự biết ơn với tạo hóa và sự sống này. Để nhắc nhở ta biết mở mang trí tuệ, tấm lòng để hiểu biết về quy luật của tạo hóa mà khôn ngoan biết sống thuận với tự nhiên. Từ đó được hưởng mọi sự thuận lợi.
Nhưng càng ngày, chúng ta chỉ chú trọng cầu xin những ân huệ, hay xin sự tha thứ. Để khỏa lấp cái tham lam hay bất an, thiếu hiểu biết của chính mình.

Vì chính chúng ta không có sự chuyển hóa. Chúng ta chỉ tập trung vào lễ nghi, luật lệ mà không thực sự hiểu chúng có ý nghĩa gì. Chúng ta vẫn mang bản tính đầy hơn thua, thích chiếm hữu, ích kỷ, thiếu bao dung. Và không thể nhìn ra được cái toàn diện.

Thế nên, con người không thể thấy được cái tương đồng của những tôn giáo. Chỉ chăm chăm, bới móc những cái chi tiết, cố gắng dùng cái điểm yếu của tôn giáo khác để chứng minh đức tin của mình mới là đúng đắn nhất. Và là con đường duy nhất được giải thoát.

Chính chúng ta, biến Thiên Chúa thành một vị thần phân biệt, độc quyền và chỉ yêu thương có chọn lọc.

via GIPHY

Chính cái tâm lý hơn thua và cố chấp ấy của con người ở các tôn giáo khác nhau. Đã tạo điều kiện để những cá nhân có thể dễ dàng lợi dụng. Lấy nguyên cớ đó để gây ra những cuộc xung đột. Trên danh nghĩa là để bảo vệ niềm tin tôn giáo. Chứng minh đức tin, chứng minh giáo lý đúng đắn nhất của đạo mình.
Nhưng thực chất sâu bên dưới chính là những dục vọng khác: lòng tham chiếm đoạt lãnh thổ, tham vọng được khai thác những lợi ích kinh tế, tài nguyên thiên nhiên cho những cá nhân đó.
Vì có hiểu biết hạn chế và cố chấp trong tôn giáo. Nên người sùng đạo vô tình trở thành công cụ phục vụ lòng tham của người khác.
Rồi giết hại nhau. Khiến những người dân vô tội phải hứng chịu sự mất mát, chia cắt, khổ sở, lầm than.
Điển hình là cuộc chiến giữa Israel và Palestine đang diễn ra ngay tại thời điểm này. Khiến bao con người vô tội rơi vào đời sống khổ sở.
Những hiềm khích tôn giáo chính là cái cớ sâu xa cho xung đột bao năm qua của cuộc chiến ấy.
Tất cả những con người đang giết hại nhau vốn đều đấng tôn thờ một đấng duy nhất là Thiên Chúa. Vị thần mà dạy họ phải biết yêu thương, bao dung và sẻ chia với nhau.

Họ chạy theo sự hơn thua mà đánh mất cái giá trị mà tôn giáo cần hướng đến nhất. Con người đã dùng danh nghĩa của chính Chúa để gây ra những nỗi đau cho nhau. Lợi dụng niềm tin với Chúa mà thực hiện dục vọng hay thể hiện sự ích kỷ, hơn thua.
Và bạn thân mến, đó mới chính là sự Kêu tên đức chúa trời vô cớ.

via GIPHY

Vị thầy, vị thánh nhân nào được chúng ta tôn thờ cũng là những vị thánh thần nhân từ, bao dung, rộng lượng. Các ngài dùng trái tim, trí tuệ và tình yêu của mình để cảm hóa con người. Giúp con người thay đổi.

Vị thầy, vị thánh nhân nào được chúng ta tôn thờ cũng là những vị thánh nhân từ, khiêm nhường, bao dung, rộng lượng. Các ngài dùng trái tim, trí tuệ và tình yêu của mình để cảm hóa con người. Giúp con người thay đổi.
Việc tranh cãi, hơn thua, đấu đá với tôn giáo khác. Chỉ là biểu hiện rằng chính con người ấy đã không học được cái tốt đẹp thực sự từ chính vị thầy, vị thánh mà mình đang tôn thờ bằng cả sinh mệnh.

Luôn tìm kiếm những điều khác biệt để phủ nhận tôn giáo khác. Hay phủ nhận vị tôn sư của đạo khác. Mâu thuẫn, hiềm kích, kì thị. Chỉ chứng minh rằng phẩm chất của người đó còn đầy ích kỷ, độc đoán, giới hạn, thích hơn thua, thích chiếm hữu. Đang đi ngược với giá trị và ước muốn mà các vị thành hiền đang nỗ lực truyền tải đến chúng ta.

Thiên Chúa không chỉ hiện diện trong đạo Công giáo, Hồi giáo, Anh giáo, Tin lành,…. Nhưng, khi có đủ hiểu biết bạn sẽ thấy Thiên Chúa chính là mọi sự. Vậy thì, có phải điều họ đang tôn thờ không phải cũng chính là Thiên Chúa hay sao? Chính họ cũng đang đi trên con đường tới được Chúa. Tức là đi tới tình yêu và trí tuệ.

Mỗi người đều là hiện thân của Chúa. Thì dù họ có ở tôn giáo nào, họ cũng là hiện thân của đấng tối cao. Hãy vượt qua cái hiểu biết rập khuôn để thấu suốt bản chất vạn vật. Thấy được cái toàn diện và sâu sắc hơn.

Không chỉ các cuộc chiến tranh là biểu hiện của việc kêu tên Đức Chúa Trời.

Có không ít các mối quan hệ của con người trong đời sống hay hôn nhân đã và đang bị chia rẽ bởi sự khác biệt niềm tin về vị thánh nhân mà mình tôn thờ. Đó chính là tạo ra sự chia rẽ nhân danh các vị thầy. Cha mẹ phản đối tình yêu khác tôn giáo. Hôn nhân đổ vỡ vì tập tục tôn thờ khác biệt.

Con người chế giễu, mâu thuẫn nhau trong đời sống hay trên mạng xã hội vì thiếu hiểu biết với tôn giáo.
Chính chúng ta đang dùng danh nghĩa đức chúa trời mà làm điều thiếu hòa thuận với những người anh em mình.
Ta kêu tên đức chúa trời một cách vô cớ mà không hề ý thức được điều đó.

nhân danh đức chúa trời
Các cuộc chiến trên danh nghĩa đức tin tôn giáo

Hãy thực sự chiêm nghiệm những điều này

Mục đích duy nhất trong công cuộc của chúa Giêsu, của các bậc thánh hiền là giúp con người thức tỉnh và chuyển hóa chính mình. Hiểu biết về bản chất thực sự của đấng tối cao. Mà ta gọi là Thiên Chúa, Thượng đế, Trời,… Chứ không cần con người phải quy phục và sùng bái các ngài. Hay giành được sự tôn kính nhiều nhất của con người với mình. Đó không phải là yêu cầu của những vị thầy nhân từ và yêu thương vô điều kiện.

chớ kêu tên đức chúa trời vô cớ là gì
Tất cả con đường chỉ để dẫn ta tới tình yêu bên trong mình – là Thiên Chúa

Mặc dù việc tôn kính một đấng anh minh là điều hết sức tốt đẹp. Nhưng theo thời gian, nhà thờ chùa chiềng không còn là nơi học tập các chân lý. Có thể giúp con người thực sự thay đổi chính mình. Lại trở thành nơi để cầu xin tiền tài, tình yêu, danh vọng. Là nơi hun đúc cho tâm trí con người sự độc đoán, cứng nhắc. Gây ra các hiểu lầm, sự phân biệt tôn giáo trong lòng người theo đạo. Rồi họ bắt đầu so sánh, nghi kị ngấm ngầm bên trong.

Các vị thánh thần vốn không hề trực tiếp ban phát niềm vui, sung sướng, tiền tài, hạnh phúc cho con người. Thiên Chúa cũng không trực tiếp mang đến một ân huệ ưu tiên cho ai cả. Mà các ngài chỉ có thể cố gắng giúp chúng ta tự thay đổi chính mình để có được những điều đó. Thông qua chân lý, thông qua các bài giảng, các phương pháp thực hành khác nhau. Vì vốn dĩ chúng ta có sự tự do ý chí không thể xâm phạm.

Thay vì đến với tôn giáo để nhìn lại bản thân mà thay đổi, chuyển hóa trở nên yêu thương, sẻ chia, thoát khỏi u mê, lầm than. Con người chỉ chú trọng thờ cúng, nghi lễ, hình thức một cách sáo rỗng.

Con người cho rằng, làm đủ những thứ đó sẽ giúp người ta lên được thiên đàng, được về cõi cực lạc. Nhưng không, đó là cách dễ khiến bạn xuống địa ngục nhất. Tuy Thượng Đế không tạo ra địa ngục. Nhưng chính bạn sẽ tạo ra địa ngục của chính mình khi tin rằng nơi đó là có thật, vì quá mê tín với giáo lý của tôn giáo. Theo sự tự do ý chí. Bạn tin vào điều gì, thì sẽ được trải nghiệm hiện thực như vậy. Đọc thêm về địa ngục và thiên đàng.

Để khiến con người làm đủ các nghi lễ trong tôn giáo, và tới nơi thờ tự thường xuyên. Tôn giáo vô tình gieo rắc vào niềm tin con người sự sợ hãi về những nơi trừng phạt như địa ngục. Vô tình khiến con người tin rằng địa ngục là nơi họ có thể sẽ đi qua sau khi chết. Ta tuyên xưng Chúa là tình yêu, bao dung, tha thứ. Nhưng cách chúng ta hiểu về ngài thực sự biến Thiên Chúa trở thành ông vua nào đấy đầy giận dữ, bất an, bạo lực, ích kỷ, phân biệt, yêu thương và tha thứ có điều kiện.

Thiên Chúa tình yêu, bao dung không trực tiếp tạo ra nơi ghê rợn là địa ngục. Đó chỉ là cách hiểu sai lầm từ trí tuệ hạn hẹp, ích kỷ của chính chúng ta.

Bất kỳ là chúng ta theo đạo nào, và cho dù đạo ấy cao siêu mấy đi nữa. Chúng ta hoàn thành đủ mọi lễ nghi, có niềm tin mạnh mẽ vượt lên người khác. Mà bản thân không nhận ra chân lý cốt lõi từ vị thầy mình tin tưởng. Không nhận ra sự quan trọng của việc thay đổi chính mình. Lòng chúng ta vẫn còn hơn thua, tranh đấu, độc đoán, tham lam. Còn đầy oán hờn, nghi kị. Còn đầy ghen ghét, mưu gian, chước độc. Mà tâm trí chúng ta còn hẹp hòi, tối tăm, rối rít, còn khổ sở, còn đớn hèn. Còn bị lo âu, còn bị dày vò, còn trống rỗng, vô vị. Luôn thấy bất toàn và khổ sở.

Thì thực thà mà nói, chúng ta vẫn là những con người vô đạo. Hay ít là những ảnh hưởng tốt đẹp của các đạo giáo và công sức giảng giải của Giêsu, của các bậc thánh hiền chưa có chút tác động nào trên tâm trí chúng ta. Đạo giáo mới chỉ là những thời trang phủ trên người chúng ta những lớp xa hoa, phù phiếm mà thôi.

Sự thờ phượng và không thể chuyển hóa tâm trí chính mình thì chẳng có Thiên Đàng nào được mở ra cả.

Tại sao Thiên Chúa cho thế giới sinh ra nhiều tôn giáo?

Sự khác nhau giữa các tôn giáo được tạo ra mang đến nhiều cách thức tiếp cận, phương pháp đa dạng. Sao cho con người ở những nhận thức khác nhau dễ dàng hiểu được những chân lý. Mà hướng tới việc thay đổi chính mình. Trở nên yêu thương, thông tuệ, bao dung, hiểu biết. Không phải để thể hiện sự quyền năng, hơn thua, hay độc nhất.

Chính vì vậy, việc so sánh hay mâu thuẫn giữa các tôn giáo từ các khác biệt trong thủ tục, nghi thức là điều đáng ra không nên có.

Những người có trí tuệ rộng mở. Biết học hỏi, tìm hiểu, phân tích. Biết bao dung và hoàn thuận. Thì sớm muộn sẽ nhận ra rằng, những chân lý cốt lõi của các tôn giáo, đến từ các vị thầy đều là một. Chúng chỉ khác nhau ở cách diễn giải mà thôi. Bới móc những chi tiết để tranh cãi không mang lại giá trị chuyển hóa nào cho con người cả. Mà chính là ta đã làm sai lời dạy của Thiên Chúa là Chớ kêu tên đức Chúa trời vô cớ.

Đọc thêm về sự hợp nhất của tôn giáo tại đây.

kêu tên chúa vô cớ
Nhiều con đường tôn giáo nhưng đều cùng hướng về cùng một mục đích.

Tóm lại về kêu tên đức chúa trời vô cớ

Con người đã nhân danh các bậc tôn sư, các thánh nhân mà gây ra bao nhiêu sự chia rẽ, mâu thuẫn do sự độc đoán trong niềm tin tôn giáo. Chính vì lẽ đó mà cần có điều răn rằng Chớ kêu tên đức chúa trời vô cớ.

Khi bắt đầu có những hiểu biết rộng mở hơn. Khi bạn biết chuyển hóa mình để bao dung và hòa hợp với những người anh em bên cạnh. Biết yêu thương, học tập những người khác biệt về tôn giáo một cách cởi mở. Người ta sẽ thấy được những điều đẹp đẽ mà tôn giáo cần hướng đến nhất. Đó không phải là thủ tục thờ cúng, sùng bái, hay vị thánh nhân nào có chân lý hay hơn. Nhưng là tập trung để chuyển hóa chính mình trở nên tốt đẹp hơn từng ngày. Thoát khỏi tâm lí khổ đau, dằn vặt, bất toàn. Sống một đời thực sự có ý nghĩa.

Mục đích cuộc sống không phải là được lên thiên đàng sau khi chết đi. Mà nhận ra chính thiên đàng ngay tại hiện thực cuộc sống.

Ước mong ngày càng có nhiều sinh mệnh biết rộng mở trái tim để tìm hiểu một cách sáng suốt. Biết bao dung lẫn nhau để làm cho đời sống bớt đi những mâu thuẫn khiến chính mình và những người xung quanh rơi vào đau khổ. Không còn nhân danh Thiên Chúa vô cớ mà tạo ra dị nghị, bất hòa.

Vạn sự tại tâm. Chúc bạn sáng suốt!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *